top of page

THỦ TỤC THÀNH LẬP CÔNG TY TNHH MỘT THÀNH VIÊN VÀ CÔNG TY TNHH HAI THÀNH VIÊN TRỞ LÊN

  • Ảnh của tác giả: Kinh Doanh Phòng
    Kinh Doanh Phòng
  • 26 thg 3
  • 5 phút đọc

Theo Khoản 7 Điều 74 Luật doanh nghiệp năm 2020 quy định, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu (sau đây gọi là chủ sở hữu công ty). Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty.



1. Đặc điểm của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên
  • Chỉ có một chủ sở hữu. Chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có thể là cá nhân hoặc tổ chức.

  • Chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty.

  • Chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có quyền chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ phần vốn cho cá nhân, tổ chức khác.

  • Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có tư cách pháp nhân.

  • Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên không được phát hành cổ phần.

  • Chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có quyền góp vốn hoặc mua cổ phần của các doanh nghiệp khác: công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần.


2. Ưu nhược điểm của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên
2.1. Ưu điểm công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên chỉ có một chủ sở hữu nên có toàn quyền quyết định những công việc trong quản lý và hoạt động kinh doanh của công ty.

Cơ cấu tổ chức đơn giản, dễ dàng quản lý và giám sát;

Chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên chỉ phải chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty.


2.2. Nhược điểm công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên

Mặc dù được phát hành trái phiếu nhưng công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lại không được phát hành cổ phiếu nên chỉ có thể huy động vốn từ chính chủ sở hữu hoặc bằng cách chuyển nhượng một phần vốn sang cho cá nhân hoặc tổ chức khác.

Khó lấy được sự tin tưởng và tín nhiệm của đối tác vì thành viên góp vốn và chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên chỉ phải chịu trách nhiệm hữu hạn.

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên chịu sự điều chỉnh chặt chẽ của pháp luật hơn so với doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh.


3. Hồ sơ thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn

Những giấy tờ trong hồ sơ đăng ký thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên quy định tại Điều 24 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, bao gồm:


  • Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

  • Điều lệ công ty.

  • Bản sao các giấy tờ sau đây:

  • Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;

  • Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ sở hữu công ty là cá nhân; Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với chủ sở hữu công ty là tổ chức (trừ trường hợp chủ sở hữu công ty là Nhà nước); Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền. Đối với chủ sở hữu công ty là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;

  • Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành.


3.2. Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên:

Hồ sơ đăng ký thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên bao gồm những giấy tờ sau:


  • Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

  • Điều lệ công ty.

  • Danh sách thành viên.

  • Bản sao các giấy tờ sau đây:

  • Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên là cá nhân, người đại diện theo pháp luật;

  • Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với thành viên là tổ chức và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền; giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền của thành viên là tổ chức. Đối với thành viên là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;

  • Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư.


4. Thủ tục thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Bạn sẽ phải chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ có trong hồ sơ thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn được quy định trong Luật Doanh nghiệp năm 2020 và Nghị định 01/2021/NĐ-CP, đồng thời sẽ phải tự chịu trách nhiệm về tính trung thực, độ chính xác của hồ sơ công ty mình khi nộp cho cơ quan đăng ký kinh doanh.


Bước 2: Nộp hồ sơ

Sau khi đã hoàn thành xong hồ sơ thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, người thành lập công ty nộp đủ hồ sơ theo quy định tại cơ quan đăng ký kinh doanh. Có 3 phương thức để người thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc người được ủy quyền thực hiện đăng ký công ty trách nhiệm hữu hạn, đó là:

  • Trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế Hoạch Đầu Tư tỉnh/thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

  • Thông qua dịch vụ bưu chính.

  • Thông qua mạng thông tin điện tử.


Bước 3: Nhận kết quả

Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm xem xét tính hợp lệ của hồ sơ. Nếu như hồ sơ hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Ngay khi được Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì thông tin của doanh nghiệp cũng sẽ được công bố trên Cổng thông tin quốc gia.

Comentários


bottom of page